TÓM TẮT NỘI DUNG
- 1. Case máy tính là gì?
- 2. Cách lựa chọn case máy tính ưng ý bạn nhất
- 2.1. Kích thước của case máy tính
- 2.2. Mức chi cho vỏ case máy tính
- 2.3. Những tính năng riêng của từng loại vỏ máy tính
Case máy tính là gì? Hãy khám phá những thông tin thú vị về linh kiện máy tính này nhé!
1. Case máy tính là gì?
Case máy tính là nơi “tụ hội” của các linh kiện trong máy tính
Case máy tính là loại linh kiện máy tính có vai trò chính là để lắp ghép cố định các linh kiện máy tính khác bên trong nó (mainboard, bộ nguồn, ổ cứng, ổ đĩa…). Theo khái niệm này, vỏ của một chiếc laptop cũng có thể coi là case máy tính tuy nhiên lại không có tính riêng biệt và gần như không thể thay thế. Vì vậy, khi nói đến case máy tính chính là nói về case máy tính của những chiếc PC – hay còn gọi là máy tính bàn.
Hãy nhớ mang cả case máy tính đến cho thợ sửa chứ không phải chỉ mỗi chiếc vỏ không thôi bạn nhé!
Case máy tính còn có một số tên gọi khác nữa như vỏ case, vỏ máy tính hay ngắn gọn là case. Thậm chí, ở một số nơi tại Việt Nam còn gọi và viết case máy tính chỉ là “cây” thay cho từ case. Có một điều bạn nên chú ý về cách gọi này khi gặp trường hợp tương tự như sau: máy tính của bạn đang gặp vấn đề và người sửa chữa bảo “mang case/cây đến đây để kiểm tra” thì điều đó có nghĩa là bạn cần mang cả dàn máy của bạn đến chứ đừng hiểu là chỉ mang mỗi vỏ case máy tính thôi nhé.
2. Cách lựa chọn case máy tính ưng ý bạn nhất
Một chiếc vỏ case sẽ làm những người yêu màu trắng cực kỳ ưng ý
Cho dù bạn sử dụng PC đặt trên bàn làm việc, góc gaming hay đơn giản là chỉ để nó ở phía dưới bàn cho gọn thì việc chọn case máy tính sao cho phù hợp là điều rất quan trọng. Đối với một yêu cầu tối thiểu, case máy tính sẽ có không gian lắp đặt vừa đủ các linh kiện cơ bản nhất của một chiếc PC và phải có một vài cổng USB. Tuy nhiên, có một cơ số loại case máy tính còn có thêm nhiều các tính năng như cách âm chống ồn, không gian bên trong rộng hơn, làm từ kính cường lực, đèn RGB… tất cả những thứ này chỉ là bề nổi của tảng băng. Vì case máy tính là nơi để những linh kiện khác gắn vào vậy nên sẽ có một số điều bạn cần chú ý. Hãy xem những phần tiếp theo dưới đây để có thêm thông tin cần nhé!
2.1. Kích thước của case máy tính
Một ví dụ về các kích thước phổ biến của case máy tính
Đây là thứ đầu tiên mà bạn cần chú ý đến khi lựa chọn vỏ case. 3 kích thước phổ biến nhất của vỏ case máy tính chính là: full tower, mid tower và Mini-ITX.
Không gian bên trong một chiếc vỏ mid tower
Với vỏ case full tower và mid-tower thì những chiếc mainboard ATX (kích thước mainboard phổ biến nhất) hoặc các mainboard micro-ATX nhỏ hơn đều có thể lắp vừa vặn. Full tower và mid tower không có một kích thước cụ thể nào mà chỉ có khoảng kích thước. Với các case máy tính mid-tower, kích thước sẽ nằm trong khoảng trên dưới 45cm chiều cao và trên dưới 20cm chiều rộng. Mid tower chính là kích thước case máy tính được sản xuất phổ biến nhất. Một chiếc case mid tower ngày nay sẽ có đủ chỗ để có thể gắn một bộ tản nhiệt nước All in one cho CPU, gắn từ 1-2 chiếc card màn hình và vài chiếc ổ cứng.
Bên trong case full tower cực kỳ rộng rãi nhờ kích thước lớn
Những chiếc case máy tính full tower sẽ có kích thước “khủng” hơn rất nhiều. Kích thước thường thấy từ khoảng 50cm trở lên, chiều rộng và chiều sâu lớn hơn rất nhiều so với mid tower. Những vỏ case kích thước này sẽ là lý tưởng nếu như bạn là một trong số ít người muốn lắp những chiếc mainboard có kích thước E-ATX.
Bạn sẽ thoải mái “nhồi nhét” nhiều thứ vào một chiếc vỏ full tower
Những case máy tính full tower cũng có khả năng lắp đặt dễ dàng một bộ tản nhiệt nước custom và có thể lắp được tới 3-4 chiếc card màn hình cùng lúc. Đối với số lượng ổ cứng, case full tower có khả năng chứa một số lượng lớn, chưa kể tới nó còn hỗ trợ đa dạng các kích thước ổ cứng từ 2.5 inch, 3.5 inch cho đến ổ cứng 5.25 inch.
Các case Mini-ITX có kích thước khá gọn gàng
Còn về case máy tính Mini-ITX chắc từ cái tên bạn cũng đã có thể hình dung ra kích thước của chúng. Đúng vậy, hoàn toàn trái ngược với full tower to lớn thì case Mini-ITX có kích thước nhỏ gọn. Loại vỏ case này sinh ra để lắp các mainboard Mini-ITX. Một số case máy tính Mini-ITX nhỏ đến nỗi có thể đựng vừa trong balo hoặc ngăn kéo. Tất nhiên, kích thước nhỏ gọn cũng sẽ giới hạn một số khả năng lắp đặt và khó tương thích với nhiều phần cứng hơn.
Mini-ITX sẽ mang lại sự tối giản gọn gàng cho góc làm việc/góc gaming của bạn
Bạn sẽ không thể lắp vừa được những bộ tản nhiệt nước custom hoành tráng hay cục tản nhiệt khí CPU hầm hố trong những bộ PC Mini-ITX. Thậm chí vì kích thước có hạn nên có một số vỏ case Mini-ITX sẽ không hỗ trợ các card màn hình khủng nhất do chiều dài quá lớn (để tránh điều này bạn nên chú ý tới chiều dài card màn hình tối đa mà vỏ case đó hỗ trợ). Dù bất lợi về kích thước là vật nhưng về mặt thẩm mỹ và sự tiện lợi, vỏ case Mini-ITX sẽ là “thiên đường” cho những người theo chủ nghĩa tối giản hoặc những người yêu thích sự cơ động.
Xem ngay các sản phẩm vỏ máy tính ATX Full Tower, ATX Mid Tower, Mini ITX
2.2. Mức chi cho vỏ case máy tính
Sau khi bạn đã quyết định kích thước phù hợp, bước tiếp theo đó bạn nên xác định ngân sách có thể dành ra cho vỏ case là bao nhiêu. Các sản phẩm ở từng khoảng giá sẽ có sự khác nhau đáng kể.
Những chiếc vỏ case giá rẻ thường sẽ chỉ có những chức năng cơ bản
Với các case máy tính ở mức 500.000đ trở xuống thì hầu hết đều là những chiếc vỏ case chỉ có chức năng ở mức “cơ bản hay tối thiểu”. Chúng đơn giản chỉ là những chiếc vỏ đúng nghĩa để bạn có thể gắn các linh kiện bên trong mà không bao gồm các chức năng bổ trợ khác. Nếu như bạn tìm mua những chiếc case máy tính trong tầm giá này bạn nên xem xét tìm những chiếc vỏ case có 1-2 quạt/slot gắn quạt tản nhiệt ở vị trí đằng trước và phía sau để có thể tối ưu được luồng khí lưu thông trong máy.
Trong tầm giá 500k đến 3,5 triệu bạn sẽ tìm được rất nhiều sản phẩm đáng giá
Ở tầm giá từ 500.000đ đến 3,5 triệu đồng, các vỏ case có chất lượng khá tốt và đã được bổ sung rất nhiều các cải tiến cũng như các tính năng. Sẽ có đa dạng hình thức kết cấu của các loại sản phẩm ở trong phân khúc giá này. Chính vì thế, hãy luôn để ý kiểm tra xem liệu những linh kiện bạn định lắp liệu có vừa với những chiếc vỏ case này hay không. Bạn cũng nên để ý tới các tính năng bổ trợ mà vỏ case mang lại, nhất là đối với những chiếc vỏ case đắt hơn ở mức 2-3 triệu đồng.
Vỏ case có nhiều chỗ lắp quạt sẽ làm PC của bạn mát hơn
Các tính năng này hoàn toàn phụ thuộc vào sở thích hoặc những yêu cầu khi build pc của bạn. Một số chiếc vỏ sẽ được lắp sẵn hoặc có chỗ trống để lắp nhiều quạt case để giúp tối đa luồng khí lưu thông giúp làm mát cho máy để từ đó tăng hiệu năng, một số thì lại tập trung vào sự tối giản cũng như tĩnh lặng khi hoạt động. Một số sản phẩm của Corsair thậm chí còn loại bỏ hẳn slot lắp ổ cứng 5.25 để có chỗ trống rộng rãi hơn cho luồng khí lưu thông trong máy.
Cũng trong tầm giá này, các vỏ máy tính sẽ hỗ trợ lắp đặt các bộ tản nhiệt nước custom cũng như tản All in one. Bên cạnh đó là hệ thống các lỗ đi dây và phân chia các loại dây, lắp đặt không cần công cụ và các tiện ích ánh sáng nâng cao thẩm mỹ máy như đèn RGB hay hông vỏ là kính cường lực để khoe nội thất PC.
Ở mức giá cao bạn hoàn toàn có thể tìm thấy những chiếc vỏ máy tính độc, lạ
Ở tầm giá từ 3,5 triệu đồng trở lên, đây sẽ là khoảng giá có rất nhiều những chiếc vỏ case cao cấp có nhiều tính năng cũng như mẫu mã đặc biệt. Một số vỏ case full tower, mang phong cách “ngầu lòi” hoặc mang các hình dáng đặc biệt, một số lại có kích thước nhỏ gọn. Hầu hết các vỏ case này đều được làm từ những chất liệu cao cấp như nhôm nguyên khối, kính cường lực. Bên cạnh đó còn sở hữu rất nhiều các tiện ích có sẵn như hộc ổ cứng, bộ điều khiển quạt, led RGB…
2.3. Những tính năng riêng của từng loại vỏ máy tính
Ở phần này chúng ta sẽ đi sâu vào từng tính năng mà các loại vỏ máy tính có thể có (một hoặc nhiều). Tất nhiên các sản phẩm càng đắt tiền thì sẽ có càng nhiều tính năng hữu ích. Hãy cùng điểm qua các tính năng dưới đây theo theo mức độ “thực dụng” nhé!
Bạn nên chọn vỏ case có đủ chỗ để lắp số lượng ổ cứng mình cần
Khay đựng ổ cứng HDD và SSD: ngày nay, xu hướng sử dụng ổ SSD M.2 NVMe nhỏ gọn trở nên ngày càng phổ biến hơn vì thế các chỗ trống dành cho các ổ cứng vật lý 3.5’ hoặc ổ 2.5’ ngày càng ít đi trên các vỏ máy tính mới. Vẫn có một phần lớn người dùng đang sử dụng những loại ổ cứng to đó (có thể trong đó có bạn) vì nhiều lý do khác nhau mà chủ yếu là lưu trữ dữ liệu với mức giá rẻ hơn ổ SSD NVMe. Nếu như bạn muốn tiếp tục sử dụng các ổ cứng đó, hãy tìm những chiếc vỏ case có đủ số lượng khay (hoặc ít nhất là khe lắp). Đối với những người dùng muốn lắp những ổ cứng 5.25’ hoặc ổ đĩa quang cũng nên cần phải xem thông số vỏ case để chắc chắn xem liệu sản phẩm đó có hỗ trợ không.
Những khay ổ cứng này lắp đặt không cần phải dùng tới tua vít và ốc để cố định
Lắp đặt không dụng cụ (tool-less design): Trước đây, khi lắp đặt vỏ máy tính gần như mọi vị trí lắp đặt linh kiện đều cần phải có sự hỗ trợ cố định từ các loại ốc vít và sẽ mất công sức cũng như thời gian kha khá để có thể hoàn thành. Tuy nhiên với các vỏ máy tính ngày nay, có không nhỏ những loại hỗ trợ lắp đặt hoàn toàn bằng tay mà không cần bất cứ công cụ nào. Nổi bật nhất có thể kể đến khay ổ đĩa trượt – chỉ cần bóp nhẹ đầu vào kéo để tháo hoặc nhét nhẹ nhàng để lắp cố định.
Hệ thống cố định dây cáp sẽ giúp bên trong PC của bạn gọn gàng dễ dàng sửa chữa thay thế hơn
Khu vực cố định dây cáp: Đây là tính năng rất quan trọng đối với những người yêu thích sự gọn gàng. Thay vì chỉ là những lỗ trống để nhét bất kỳ loại dây nối nào trên những chiếc vỏ giá rẻ thì trên những vỏ tầm trung thường có những khấc nổi để có thể dùng những sợi dây rút cố định dây nối phân chia theo từng khu vực linh kiện trong máy. Vừa gọn lại không bị lẫn lộn dây nối, thật tuyệt phải không nào?
Phần khoét đằng sau mainboard sẽ giúp bạn tháo lắp CPU cũng như tản nhiệt CPU thuận tiện hơn nhiều
Vùng khoét hỗ trợ CPU: Sẽ thật tiện lợi nếu như bạn sở hữu một chiếc vỏ có phần khoét đúng ở vị trí CPU gắn trên mainboard. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng tháo lắp CPU hoặc lắp đặt những bộ tản nhiệt khí CPU hoặc tản nhiệt nước mà không cần phải tháo cả mainboard ra.
Có nhiều cổng kết nối ở mặt trước của case cũng là một ưu điểm đáng kể
Cổng kết nối phía trước: Nếu là một người hay phải “tháo ra tháo vào” các thiết bị ngoại vi hoặc truyền dữ liệu thì việc thò tay ra đằng sau để ngó và cắm sao cho chính xác vào các cổng kết nối của mainboard cũng là một sự bất tiện. Vì vậy, một chiếc vỏ PC có từ 2-3 cổng USB trở lên cùng jack tai nghe 3.5 sẽ là lý tưởng. Riêng với những người chơi hệ RGB hay “nhiệt thủ”, có thêm một bộ điều khiển fan case sẽ là rất tiện lợi.
Sơ đồ luồng khí lưu thông bên trong máy
Quạt và lỗ thông hơi: Máy của bạn càng có nhiều quạt thì luồng không khí bên trong sẽ được lưu thông dễ dàng từ đó nhiệt độ của máy sẽ được hạ thấp và đảm bảo sự ổn định cho hiệu năng của các linh kiện bên trong. Nếu như PC của bạn có cấu hình thấp thì điều này không bắt buộc nhưng đối với những chiếc PC cấu hình cao thì tối thiểu ít nhất bạn nên sở hữu một chiếc vỏ case có 1 đường lắp quạt hút vào phía trước và 1 đường quạt thổi ra đằng sau. Lý tưởng nhất sẽ là có đường lắp quạt cả trước sau và mặt trên của case.
Những tấm lọc bụi sẽ bảo vệ PC của bạn khỏi bụi bẩn những dị vật không đáng có
Tấm lọc bụi: Theo như trên, càng nhiệt quạt thì máy của bạn sẽ càng mát nhưng đi theo đó sẽ không tránh khỏi việc máy của bạn bị bụi do quạt hút vào hoặc bụi rơi từ trên xuống và lâu ngày sẽ làm bít đường gió hút/thôi gây nóng máy.. Để hạn chế tình trạng đó, sẽ có những chiếc case được trang bị các tấm lọc bụi được đặt ở ngay trước quạt để che chắn bụi. Và tất nhiên, những tấm lọc bụi này rất dễ dàng vệ sinh khi bạn có thể rửa chúng bằng nước sau đó phơi khô và đặt lại vào vị trí cũ.
Sẽ thật tuyệt nếu như chiếc PC của bạn lắp được những chiếc tản nhiệt nước khủng
Khả năng hỗ trợ tản nhiệt nước: Gần đây, các bộ tản nhiệt nước All in one (AIO) dần trở nên phổ biến hơn do giá thành đã cạnh tranh hơn trước đồng thời hiệu năng lại tốt hơn những bộ tản nhiệt khí. Và nếu bạn định sử dụng thiết bị này thì hãy chú ý xem chiếc vỏ case hỗ trợ ở mức nào nhé. Sẽ là rất khó khăn đối với những chiếc case Mini-ITX để có thể lắp những chiếc tản nhiệt AIO do không gian hạn hẹp. Case mid tower thì sẽ dễ dàng lắp đặt nhưng kích thước hầu hết hỗ trợ các bộ tản kích thước 240mm trở xuống (tức 2 quạt 120mm). Nếu bạn muốn lắp bộ tản nhiệt “max ping” tức 360mm thì case full tower sẽ là lựa chọn gần như bắt buộc.
Kính cường lực: những chiếc vỏ máy tính có phần hông trái làm từ kính cường lực mang lại một phong cách rất ngầu cho chính chủ khi khoe được nội thất bên trong máy. Nhưng hãy thật cẩn thận khi tháo lắp, dịch chuyển case bởi không cẩn thận những chiếc kính này sẽ bị vỡ và bạn sẽ phải tốn thêm tiền để tìm một miếng kính mới thay thế.
Hệ thống RGB tích hợp sẵn sẽ càng làm chiếc PC của bạn lộng lẫy hơn
Hệ thống ánh sáng tích hợp: Nếu đã “trót yêu” ánh sáng RGB kỳ ảo thì chắc chắn bạn sẽ không thể bỏ qua tính năng này. Một chiếc vỏ máy tính có kính cường lực lại có thêm quạt RGB hay các thanh LED thì đúng là một combo không thể tuyệt vời hơn khi chiếc PC của bạn có thể tỏa sáng mọi lúc mọi nơi.
Sẽ là ấn tượng hơn nữa nếu như vỏ case của bạn hỗ trợ lắp đặt dựng VGA
Hỗ trợ dựng VGA: Một số vỏ case từ tầm trung đến cao cấp sẽ có tính năng hỗ trợ lắp đặt chiếc card màn hình của mình theo chiều dọc để tạo được phong cách mới lạ cũng như tăng thêm tính thẩm mỹ. Tuy nhiên hãy nhớ rằng có thể bạn sẽ cần phải mua thêm những giá dựng riêng cùng bộ cáp nối dài. Riêng với những mainboard có sử dụng cổng PCIe 4.0 thì sẽ phải yêu cầu đúng bộ cáp cụ thể để có thể hoạt động. Hãy lưu ý rằng, giá thành của các phụ kiện này có giá không hề rẻ.